Gạch kính – xu hướng vật liệu xây dựng hiện đại được nhiều gia chủ lựa chọn như một giải pháp lấy sáng tự nhiên cho nhà ở, đặc biệt là nhà ống, nhà phố nhỏ hẹp tại các đô thị hiện nay. Để sử dụng hiệu quả và phù hợp với từng công trình cụ thể, bạn nên nắm rõ những đặc tính của loại vật liệu này.
Tương tự gạch bông gió, gạch kính được sử dụng phổ biến trong trang trí và lấy sáng tự nhiên cho công trình kiến trúc nhà ở, văn phòng, nhà hàng, quán cà phê… Đặc biệt, với những không gian thiếu sáng, việc sử dụng gạch kính được đánh giá là một trong những giải pháp tốt nhất mà vẫn đảm bảo tính riêng tư, thẩm mỹ cũng như độ an toàn.
Những thông tin cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan về gạch kính lấy sáng.
1. Gạch kính là gì?
Tên gọi khác của gạch kính lấy sáng là gạch kính thủy tinh, gạch kiếng, khối thủy tinh, glass block. Đây là vật liệu thông dụng trong ngành xây dựng được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn. Sản phẩm được làm từ khối thủy tinh có đặc tính cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước khá tốt. Gạch kính thường được sử dụng tạo vách ngăn nhà tắm, văn phòng, tường quán bar, cà phê,… với mục đích chính là lấy sáng.
Tại Việt Nam, gạch kính là một sản phẩm mới có mặt trên thị trường vật liệu xây dựng những năm gần đây nhưng đã nhanh chóng trở nên phổ biến, được sử dụng cho các dự án, công trình kiến trúc nhà ở, văn phòng. Sở hữu những ưu điểm vượt trội, gạch kính đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn tính thẩm mỹ, làm hài lòng cả những khách hàng khó tính nhất.
Độ dày gạch kính dao động từ 8-10 cm. Tùy thuộc vào kiểu dáng, mẫu mã, nhà sản xuất mà độ dày sẽ có sự thay đổi. |
2. Ưu, nhược điểm của gạch kính
Trước khi quyết định lựa chọn gạch kính là giải pháp lấy sáng tự nhiên cho nhà phố, bạn nên nắm rõ những ưu điểm, nhược điểm của vật liệu này.
Ưu điểm
Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm gạch kính lấy sáng được nhiều gia đình Việt lựa chọn trong thiết kế và trang trí nhà ở. Lý do nằm ở những ưu điểm nổi trội sau đây:
Khả năng lấy sáng tự nhiên rất tốt
Ưu điểm nổi bật nhất của gạch kính là khả năng khúc xạ, phản chiếu ánh sáng tốt do được cấu thành từ thủy tinh. Mỗi viên gạch đều có một khoảng chân không với áp suất là 0,3 atm cho phép ánh sáng dễ dàng xuyên qua, mang đến vẻ đẹp lung linh, sang trọng cho không gian sống.
Đặc biệt, ánh sáng phản chiếu qua gạch kính không bị gắt như ánh sáng mặt trời trực tiếp mà dịu nhẹ, vừa phải, không quá lóa mắt, nhất là với những khu vực trên tầng cao. Không giống các loại vật liệu xây dựng khác, gạch kính không hề hạn chế tầm nhìn xung quanh và được xem là lựa chọn lý tưởng cho những căn phòng kín, thiếu sáng mà vẫn đảm bảo sự riêng tư thiết yếu.
>>> Xem thêm:
-
Ứng dụng của gạch giả đá trong thiết kế kiến trúc nhà ở
-
Không lo lỗi mốt với gạch vân gỗ trong thiết kế nội, ngoại thất
Bức tường gạch kính lấy sáng tự nhiên tối đa cho phòng đọc sách. |
Tính thẩm mỹ cao
Gạch kính trên thị trường hiện rất đa dạng về màu sắc, kích thước, mẫu mã cho bạn thỏa sức lựa chọn tùy vào không gian, mục đích sử dụng cụ thể. Không chỉ giúp lấy sáng đơn thuần, gạch kính còn tạo điểm nhấn ấn tượng bằng cách tạo ra các mảng tường cong, gọn sóng mềm mại. Hoặc bạn có thể phối kết hợp với màu sắc của tường để tạo hiệu ứng ánh sáng màu sắc hài hòa, giúp không gian sống trở nên cuốn hút hơn.
An toàn, độ bền cao
Gạch kính được chế tạo từ thủy tinh thuần khiết nên rất bền chắc, chịu được áp lực cao. Kết quả đo lường cho thấy, cường độ nén của gạch lên tới 7Mpa (70kg/cm2), cao gấp 2,5 lần so với gạch Terracotta. Do đó, tường gạch kính có thể chống chịu những tác động của thiên nhiên như động đất hay gió, bão lớn và giúp bảo vệ ngôi nhà trước sự đột nhập từ bên ngoài.
Tiết kiệm năng lượng
Với độ dày lớn và cấu tạo rỗng bên trong, gạch kính có khả năng cách nhiệt gấp 2 lần so với các loại gạch thông thường khác. Nhờ đó, khi sử dụng cho nhà ở, gạch kính giúp giảm sức nóng của môi trường bên ngoài lên tới 52% so với kính thông thường, đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, nắng nóng như ở Việt Nam. Gia chủ nhờ đó tiết kiệm được chi phí cho năng lượng điện làm mát, thậm chí không cần sử dụng đến rèm cửa.
Các mẫu hoa văn, họa tiết phổ biến của gạch kính. |
Cách âm tốt
Cấu tạo phần lõi của gạch kính là một lớp chân không nên vật liệu này có khả năng cách âm đạt hơn 45%. Gạch kính vì thế là lựa chọn phù hợp cho những công trình nhà ở nằm gần đường lớn, gần chợ, hàng quán, những nơi chịu nhiều tiếng ồn từ xe cộ và các tạp âm khác ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Dễ vệ sinh, bảo dưỡng
Với khả năng chống bám dính của bề mặt vật liệu, việc vệ sinh và bảo dưỡng gạch kính cũng đơn giản hơn so với các loại gạch khác. Bạn chỉ cần thi thoảng lau chùi, làm sạch là gạch giữ được độ sáng bóng như ban đầu. Mặt khác, trong quá trình sử dụng, nếu các viên gạch bị nứt, vỡ thì bạn có thể dễ dàng thay thế bằng viên mới.
Gạch kính với bề mặt chống bám dính giúp việc vệ sinh, làm sạch dễ dàng hơn. |
Khả năng tái chế 100%
Gạch kính lấy sáng có tuổi thọ cao, lên tới 50 năm. Đặc biệt, vật liệu này có thể được tái chế 100% và tái chế nhiều lần mà không bị giảm độ tinh khiết cũng như chất lượng của gạch. Chính vì vậy, gạch kính được xếp vào nhóm vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Việc lựa chọn gạch kính làm vật liệu xây dựng cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, gạch kính lấy sáng cũng có những nhược điểm nhất định mà bạn nên biết để cân nhắc lựa chọn cho công trình của mình.
Giòn, dễ bị vỡ góc, nứt cạnh
Chất liệu chính tạo nên gạch kính là thủy tinh. Lớp thủy tinh càng cứng thì độ giòn càng cao, dễ bị nứt vỡ khi va đập mạnh. Do đó, các chuyên gia thường khuyến khích sử dụng vật liệu này tại những vị trí ít bị va đập vì gạch nứt vỡ sẽ làm giảm tính thẩm mỹ tổng thể của công trình.
Không đồng nhất về màu sắc
Tuy có màu sắc đa dạng nhưng giữa các lô gạch có sự khác biệt về màu khoảng từ 10-20%. Do đó, khi chọn gạch kính lấy sáng, bạn nên mua dự trữ thêm số lượng gạch cần thiết để phòng những rủi ro như bị thiếu hoặc hư hỏng. Nếu không trữ sẵn, rất có thể bạn sẽ không tìm được loại gạch có màu sắc giống lô gạch đã dùng trước đó.
Đường ron lớn
Bạn nên chọn loại keo chà ron tốt và thi công thật cẩn thận để đảm bảo tính thẩm mỹ cho công trình. Bởi lẽ, khi thi công gạch kính lấy sáng, người thợ tường tạo đường ron rộng 1-2cm, lớn hơn so với đường ron thông thường.
Khi thi công gạch kính, nên chọn loại keo chà ron tốt và làm thật cẩn thận để đảm bảo tính thẩm mỹ tổng thể cho công trình. |
Đòi hỏi thợ thi công tay nghề cao
Việc thi công, lắp đặt gạch kính đòi hỏi độ chính xác cao để đảm bảo hiệu quả sử dụng cũng như tính thẩm mỹ. Do đó, cần chọn được đội thợ có kinh nghiệm, tay nghề cao, am hiểu các đặc tính của loại vật liệu này.
3. Ứng dụng gạch kính lấy sáng tự nhiên cho nhà phố
Trong thiết kế kiến trúc, nội – ngoại thất nhà ở, gạch kính được sử dụng ngày càng phổ biến. Đặc biệt, gạch kính là một trong những giải pháp lấy sáng hiệu quả cho không gian nhà phố, nhà ống tại các đô thị hiện nay.
Tùy theo không gian và mục đích sử dụng mà bạn đưa ra quyết định có nên sử dụng gạch kính lấy sáng hay không. Nếu lựa chọn vật liệu này, bạn có thể sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau như ốp lát tường, cầu thang, ốp sàn, tường ngăn, lan can…
Gạch kính ốp tường
Đây là ý tưởng được nhiều người lựa chọn. Việc ốp tường bằng gạch kính sẽ giúp không gian nhà trở nên thoáng đãng, tạo cảm giác rộng rãi hơn, đồng thời giúp hút sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên tối đa.
Ngoài tường phòng khách, phòng ngủ, bạn cũng có thể sử dụng gạch kính để ốp tường bếp. Với đặc tính chống bám dính, gạch kính trở thành vật liệu ốp tường hoàn hảo cho góc nấu nướng. Mọi vết bẩn từ thức ăn, dầu mỡ bám trên tường bếp có thể dễ dàng lau sạch bằng nước ấm và chút xà phòng hoặc dung dịch tẩy rửa.
Tường gạch kính lấy sáng giúp phòng ngủ nhỏ thoáng đãng và ấn tượng hơn. |
Ốp sàn
Với khả năng chịu lực tốt và bề mặt nhẵn bóng, gạch kính được nhiều người sử dụng để ốp sàn. Đây là ý tưởng táo bạo, mang đến cái nhìn độc đáo cho không gian sống. Gạch kính có tác dụng kéo dài tầm mắt, tạo ấn tượng thị giác mạnh và cho phép ánh sáng đi xuyên xuống không gian bên dưới. Chưa kể, bước trên sàn kính trong suốt hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với bất cứ ai.
Tuy vậy, bạn chỉ nên sử dụng gạch kính ốp sàn ở một vài vị trí chứ không lạm dụng vì sẽ khiến ngôi nhà sáng chói, mất vẻ tinh tế, sang trọng vốn có của loại vật liệu ốp lát này.
Gạch kính ốp lát sàn cho phép ánh sáng dễ dàng chiếu xuyên qua, tạo hiệu ứng thẩm mỹ cực hút mắt. |
Ốp tường cầu thang
Gạch kính có thể sử dụng để ốp tường cầu thang, vừa tạo điểm nhấn hút mắt, vừa giúp xóa mờ khoảng cách giữa các tầng trong ngôi nhà. Khu vực cầu thang khi sử dụng gạch kính sẽ trở nên thông thoáng hơn, không che khuất tầm nhìn và đặc biệt là hút sáng tự nhiên hiệu quả, giúp tiết kiệm điện cũng như thuận tiện đi lại cho các thành viên gia đình.
Sử dụng gạch kính lấy sáng cho cầu thang nhà ở. |
Làm tường/vách ngăn
Thực tế cho thấy, gạch kính thường được dùng để tạo vách ngăn cho các khu vực chức năng trong phòng tắm, vách ngăn giữa phòng tắm và phòng ngủ có vệ sinh khép kín. Vách ngăn hoặc tường lửng giữa phòng khách và khu bếp ăn hoặc giữa bếp và góc ăn uống cũng có thể được làm từ loại gạch này.
Tường/vách ngăn bằng gạch kính cho phép ánh sáng lan tỏa dịu nhẹ khắp căn phòng. Các khu vực chức năng đều có thể sử dụng chung đèn chiếu sáng, thậm chí cả ánh sáng tự nhiên, giúp giảm nhu cầu sử dụng điện và tiết kiệm chi phí cho gia đình bạn.
Tường ngăn bằng gạch kính tạo cảm giác rộng rãi, thoáng sáng hơn cho không gian. |
Với đặc tính chống bám dính tốt, gạch kính được sử dụng để ốp tường chắn bếp. |
Lan can bằng gạch kính
Được làm từ các viên gạch kính, lan can cầu thang hoặc ban công sẽ biến đổi hoàn toàn không gian. Chất liệu thủy tinh trong suốt của gạch kính cho phép ánh sáng tự nhiên dễ dàng chiếu xuyên qua, tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng, hiện đại hơn cho không gian bên trong nhà. Mặt khác, bạn cũng không mất quá nhiều thời gian, công sức để vệ sinh lan can bởi đặc tính ít bị bám dính của gạch kính. Chỉ cần thi thoảng lau chùi, bề mặt vật liệu sẽ luôn sáng bóng như mới.
Lan can ban công, sân thượng làm bằng gạch kính mang lại cái nhìn ấn tượng. |
Cửa sổ gạch kính
Thay vì sử dụng cả mảng tường kính lớn để lấy sáng, gia chủ hoàn toàn có thể tách thành từng khung cửa sổ nhỏ bằng gạch kính để mang lại cái nhìn mới lạ hơn. Theo đó, ánh sáng tự nhiên sẽ được tận dụng tối đa cho không gian, giúp nhà phố nhỏ hẹp không còn cảm giác bí bức, tù túng hay thiếu sáng tự nhiên.
Đối với những khu vực cần dẫn sáng tự nhiên mà vẫn đòi hỏi sự kín đáo, riêng tư như phòng tắm, phòng ngủ thì cửa sổ làm từ gạch kính chắc chắn sẽ làm hài lòng những gia chủ khó tính nhất. Thậm chí, bạn cũng không cần sử dụng thêm rèm cửa.
Cửa sổ gạch kính cho phép ánh sáng tự nhiên ngập tràn phòng tắm nhỏ. |
Mái kính
Ngoài ốp tường, một số gia đình lựa chọn gạch kính để lợp một phần mái, nhất là lợp mái giếng trời, khoảng thông tầng cho nhà phố. Ngôi nhà lợp mái bằng gạch kính vừa đảm bảo sự vững chắc, an toàn vừa mang đến vẻ đẹp lung linh, quyến rũ. Không chỉ giúp lấy sáng tự nhiên, gạch kính lợp mái cũng rất hợp phong thủy, góp phần gia tăng tài vận cho gia chủ.
Mái kính giếng trời mang đến ánh sáng tự nhiên dịu nhẹ cho không gian bên trong nhà. |
4. Các bước thi công gạch kính lấy sáng
Thường thì việc thi công gạch kính lấy sáng do đội thợ đảm nhiệm. Việc nắm rõ các bước thi công sẽ giúp bạn giám sát đội thợ tốt hơn, để có được kết quả như ý. Dưới đây là các bước thực hiện khi thi công gạch kính lấy sáng cho nhà phố:
Bước 1: Vệ sinh khu vực lắp đặt
Việc vệ sinh khu vực lắp đặt gạch kính nhằm loại bỏ bụi bẩn để việc thi công nhanh chóng, thuận lợi hơn và không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ tổng thể khi hoàn thiện.
Bước 2: Vẽ sơ đồ lắp đặt
Gạch kính không thể cắt giảm theo kích thước, do đó bạn nên có kế hoạch thực hiện bằng cách sử dụng toàn bộ khối. Khoảng cách giữa các viên gạch, các bức tường, khung hoặc cửa sổ nên từ 0,6-1cm. Bạn có thể thêm gỗ hoặc các vật liệu phù hợp khác trong trường hợp gạch kính không thể lấp đầy không gian lắp đặt.
Bước 3: Trộn vữa và lắp đặt
Vữa là yếu tố để kết dính gạch kính với nhau. Bạn nên tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và khối lượng, tỷ lệ và cách trộn.
Về lắp đặt, đặt khối đầu tiên, sau đó bay đủ vữa lên một mặt của khối tiếp theo để khi bạn đặt nó bên cạnh khối đầu tiên vữa được lấp đầy không gian giữa các khối với nhau. Thêm vữa chỉ một mặt của khối tiếp theo trong dòng.
Không gian giữa các khối cuối và tường, khung hoặc cửa sổ sẽ được lấp đầy với một dải mở rộng để phù hợp với sự thay đổi của nhiệt độ.
Bước 4: Đặt miếng đệm thích hợp vào giữa các khối
Chức năng của miếng đệm là đảm bảo cho không gian giữa các khối đồng nhất và vữa ở các hàng trên không bị ép ra khỏi các hàng thấp hơn. Nên dùng đinh chữ T hoặc chữ L để đảm bảo khoảng cách giữa các khối trên cùng một hàng hoặc giữa các hàng được đều nhau.
Bước 5: Gia cố kỹ để tăng khả năng chống chịu
Sau khi lắp đặt gạch kính lên tường thì cứ khoảng 30cm, cho thêm thanh gia cố vào để tăng khả năng chống chịu giữa bức tường và các khối thủy tinh lắp đặt lên.
Bước 6: Làm sạch bề mặt
Sau khi lắp đặt xong, lấy vải mềm lau sạch bụi bẩn, hồ vữa dính trên bề mặt gạch kính lấy sáng.
Bước 7: Kiểm tra và niêm phong khu vực lắp đặt
Nên kiểm tra kỹ bề mặt vừa lắp đặt. Với những chỗ chưa được khít, có thể dùng khung keo silicon để bít các khối lại. Sau đó, hãy niêm phong khu vực vừa lắp đặt gạch kính khoảng 2-3 ngày để tránh những va chạm, rủi ro không đáng có thể xảy ra.
5. Một số lưu ý khi lựa chọn và sử dụng gạch kính lấy sáng
Khi lựa chọn và sử dụng gạch kính lấy sáng cho nhà phố, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây để đảm bảo vật liệu đáp ứng cả về công năng cũng như tính thẩm mỹ.
-
Chọn gạch kính phù hợp: Nên lựa chọn gạch kính phù hợp với không gian, mục đích sử dụng. Ví dụ, gạch kính có kích thước lớn sẽ giúp đón được nhiều ánh sáng tự nhiên hơn và ngược lại. Trong khi đó, những khối gạch mỏng hơn phù hợp với cửa sổ, vách ngăn. Để tạo hiệu ứng ánh sáng, màu sắc ấn tượng, bạn có thể chọn kính màu với hoa văn đa dạng.
-
Kích thước: Nên chọn gạch có độ dày 8cm vì tường của các ngôi nhà ở Việt Nam thường là 10cm, đảm bảo khi ốp vào sẽ khít đẹp hơn, không bị lệch.
-
Màu sắc: Gạch kính đa dạng về màu sắc, tuy nhiên cần chọn màu phù hợp và hài hòa với tổng thể không gian. Ví dụ, với không gian nhỏ hẹp nên lựa chọn những màu tươi sáng như vàng, hồng pastel, nâu nhạt, xanh lam nhạt. Để tạo điểm nhấn nổi bật, có thể chọn gạch xanh lá cây, xanh biển đậm hoặc kết hợp nhiều màu sắc với nhau.
-
Đơn vị sản xuất, phân phối: Hiện có nhiều thương hiệu gạch kính khác nhau, các thương hiệu có sự chênh lệch nhất định về giá thành cũng như chất lượng sản phẩm. Ba loại gạch có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan, Việt Nam được tin dùng hơn cả bởi chất lượng đảm bảo.
-
Vận chuyển: Cần nhẹ nhàng trong khâu vận chuyển gạch kính để tránh đổ vỡ. Gạch bị vỡ góc hoặc trầy xước bề mặt sẽ làm giảm tính thẩm mỹ ban đầu của vật liệu.
-
Không sử dụng gạch kính lấy sáng để xây tường chịu lực. Tuyệt đối không cắt nhỏ gạch kính. Khối lắp đặt luôn phải nằm trong một khung để bảo vệ cạnh gạch khỏi va đập.
Như vậy, với những thông tin mà Dothi.net chia sẻ trên đây, hẳn bạn đọc đã cơ bản nắm được những đặc tính của gạch kính cũng như các ý tưởng ứng dụng vật liệu này vào việc lấy sáng và trang trí không gian nhà phố thêm ấn tượng.
Lam Giang (TH)
>> Nhà gạch kính 18m2 lung linh kỳ ảo như đèn lồng về đêm
>> Ngôi nhà gạch kính với thiết kế nội thất cực ấn tượng
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/09/18/giai-phap-lay-sang-tu-nhien-cho-nha-pho-bang-gach-kinh