GiadinhNet – Gần đây thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, người mệt mỏi, anh Hùng đi khám và được biết có u ác tính ở phổi.
Người phụ nữ ở Hà Nội được phẫu thuật ung thư bằng phương pháp hiện đại nhất
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới.
Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi đều hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.
Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).
Anh Bùi Văn Hùng, 33 tuổi, quê Ninh Bình, đến khám tại Bệnh viện K khi thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, người mệt mỏi, có u ác ở phổi.
Khai thác nhanh bệnh sử, anh cho biết hút thuốc lá từ năm 18 tuổi. Có những ngày anh hút từ 1,5 đến 2 bao. 6 tháng nay, anh chuyển sang hút thuốc lá điện tử và phát hiện ung thư phổi.
Bác sĩ Bệnh viện K thăm khám cho hai bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá hàng chục năm. Ảnh: TL
Cùng phòng bệnh với anh Hùng, bác Long Xuân Hiền, 60 tuổi, quê Lạng Sơn phát hiện ung thư phổi từ năm 2000, hiện bệnh di căn xương.
“Nặng đô” hơn bệnh nhân Hùng, ông Hiền cũng hút thuốc từ năm 18, nhưng mỗi đêm (từ 7h tối đến 5h sáng) ông hút tới 2 bao thuốc lá. Ông nói do tính chất công việc thường xuyên làm đêm. Khi các con lớn dần, có cháu nhỏ, khuyên can mãi ông cũng bỏ được thói quen hút thuốc, dù lúc đầu, ông thấy rất bứt rứt.
Đến năm 2000, thấy làm việc nặng là khó thở, tức ngực khi vận động, đi khám thì phát hiện 2 khối u ở phổi, chẩn đoán ung thư phổi, đến nay khối u di căn, cuộc chiến của ông được dự báo còn dài.
“Biết ung thư, khổ cả mình cả gia đình, tôi đã bỏ thuốc từ lâu” – ông Hiền nói. Còn anh Hùng ngậm ngùi: Đến khi bị bệnh, tôi mới bỏ hẳn thuốc lá, giờ không có gì khác ngoài nỗi ân hận “vì nếu biết như thế này tôi sẽ quyết tâm từ bỏ thuốc sớm hơn”. Có như thế mới hi vong không để lại hậu quả như bây giờ, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, khiến gia đình thêm lo lắng và gánh nặng này sẽ kéo dài.
Triệu chứng của ung thư phổi là gì?
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
Ho khan, ho máu, hay ho có đờm; Đau ngực; Khó thở; Khàn tiếng; Đau đầu (khi di căn não) hoặc phù mặt, cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn ở ngực bị chèn ép)
Nếu khối u ở đỉnh phổi, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
Đau ở tay, vai, hoặc cổ; Sụp mí mắt, nhìn mờ, nửa mặt bị đỏ; Yếu hoặc liệt tay
Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư phổi. Nhưng khi người bệnh có các triệu chứng trên, hãy đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sỹ khám, tư vấn bệnh.
Võ Thu
Căn bệnh ung thư nữ MC Quỳnh Chi mắc phải phát triển âm thầm