Chế độ ăn đối với người mắc bệnh gút rất quan trọng. Những thực phẩm quen thuộc trong ngày Tết như phủ tạng động vật, nem chua, bánh chưng, bia rượu… đều không tốt cho người bệnh khi tiêu thụ nhiều.
Bệnh gút là một bệnh khớp sinh ra do rối loạn chuyển hóa các nhân purin, dẫn đến tăng axit uric máu. Khi axit uric máu tăng đến một mức nào đó (mức độ này thay đổi ở từng cá thể), chúng sẽ bị bão hòa ở dịch ngoài tế bào dẫn đến lắng đọng tại các mô, khớp, thận, gây nên các triệu chứng của bệnh gút trên lâm sàng.
Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, đặc biệt là ở những người béo, ưa uống rượu, ăn chế độ nhiều đạm.
Chế độ ăn đối với người mắc bệnh gút rất quan trọng vì đây là một trong những nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Vì thế, dù trong ngày Tết, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết, người bị bệnh gout cần hạn chế những thực phẩm như:
– Phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lá lách, lòng, phổi): Những thực phẩm này có lượng cholesterol và purin khá cao nên có thể gây ra các cơn đau gút cấp bất cứ lúc nào.
– Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt ngựa, thịt trâu, thịt dê): Chúng chứa lượng đạm cao nên khi người bệnh ăn nhiều sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng axit uric máu gây ra các cơn đau gút.
– Hải sản (cua, ghẹ, sò, tôm, ngao, cá trích, cá ngừ): Chúng vừa giàu đạm lại nhiều chất béo khiến bệnh gút càng đau đớn và trầm trọng hơn.
– Nem chua: Đây là đồ nhắm rất hấp dẫn trong dịp Tết nhưng vị chua trong nem được sinh ra từ thính gạo và thịt lợn cũng có thể tăng axit uric máu.
– Một số loại rau (măng tây, măng tre, nấm, giá đỗ, các loại đậu đỗ, dọc mùng, cải bó xôi, bông cải) cũng chứa nhiều nhân purin.
– Thực phẩm giàu chất béo (mỡ, da động vật, đồ chiên rán) và chế biến với chất béo (mì tôm, thức ăn nhanh).
– Bánh chưng, dưa hành, thịt đông: Nếu bánh chưng làm tăng sưng viêm thì thịt đông có chứa nhiều chất béo và dưa hành lại có hàm lượng muối cao. Ba thực phẩm này không tốt cho người bị gút.
– Rượu, bia, đồ uống có ga, bánh kẹo chứa nhiều đường.
Những thực phẩm mà người bị bệnh gút nên ăn
– Một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: Các loại cá sông (cá chép, cá diêu hồng), cá đồng (cá rô), thịt trắng (ức gà) có hàm lượng ít purin, người bệnh vẫn có thể sử dụng để cung cấp chất đạm cần thiết cho cơ thể.
– Ưu tiên rau xanh, hoa quả giàu chất xơ: Rau cải bẹ xanh, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ, dưa leo, cà chua và các loại quả dưa hấu, nho, táo, lê, đu đủ chín vừa ít nhân purin, vừa giàu vitamin C, E, rất tốt cho người bệnh gút.
– Tăng cường ăn trứng sữa vì thực phẩm này không chứa purin nên không gây hại cho người bị bệnh gút.
– Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày: Nước giúp đào thải axit uric ra ngoài bằng đường nước tiểu và hạn chế kết tinh urat tại các tổ chức.
Các yếu tố rủi ro có thể làm tăng khả năng tăng axit uric máu và bệnh gút gồm:
– Tuổi tác
Bệnh gút phổ biến hơn ở người lớn tuổi và hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ em.
– Giới tính
Ở những người dưới 65 tuổi, bệnh gút phổ biến ở nam giới gấp 4 lần so với nữ giới.
– Di truyền học
Tiền sử gia đình mắc bệnh gút có thể làm tăng khả năng một người mắc bệnh này.
– Lựa chọn lối sống
Uống rượu cản trở việc loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể. Ăn một chế độ ăn nhiều purine cũng làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Cả hai điều này đều có thể dẫn đến bệnh gút.
– Thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể như một số thuốc lợi tiểu và thuốc có chứa salicylate.
– Cân nặng
Thừa cân, béo phì và có lượng mỡ nội tạng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Tuy nhiên, thừa cân hoặc béo phì không thể trực tiếp gây ra tình trạng này.
– Các tình trạng sức khỏe khác
Suy thận và các tình trạng thận khác có thể làm giảm khả năng loại bỏ chất thải của cơ thể, dẫn đến nồng độ axit uric tăng cao. Các bệnh khác liên quan đến bệnh gút bao gồm huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
Những biểu hiện của bệnh gút:
– Viêm khớp cấp tính: Sưng, đau nhức khớp nhất là khớp đốt bàn và ngón chân cái.
– Lắng đọng sạn urat: Là trường hợp những cục hay hạt urat nổi dưới da di động được dưới vành tai, mỏm khủyu, xương bánh chè hoặc gần gân gót.
– Sỏi urat, axit uric trong hệ thống thận – tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận.
– Xét nghiệm máu thấy axit uric tăng cao.