Tập thể dục hay hoạt động thể chất là một trong những cách tốt nhất để giúp quản lý bệnh đái tháo đường type 2. Vậy thời gian nào tốt nhất trong ngày để tập thể dục ở những người bệnh này…
Theo một nghiên cứu mới, những người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường type 2 , cải thiện đường máu nhiều nhất khi họ tập thể dục vào buổi chiều… Theo đó, thời gian từ 14 -17 giờ chiều là lý tưởng nhất . Bên cạnh hoạt động thể chất , các yếu tố lối sống khác (chẳng hạn như giấc ngủ và chế độ ăn uống) cũng góp phần rất quan trọng trong kiểm soát bệnh đái tháo đường .
Nếu bạn đang muốn tăng mức độ hoạt động thể chất của mình vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, các chuyên gia khuyên bạn nên lập kế hoạch trước, tìm một người bạn tập luyện và chọn các hoạt động mà bạn yêu thích.
Tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu mà còn có thể làm giảm nguy cơ biến chứng sức khỏe do đái tháo đường gây ra, chẳng hạn như bệnh tim và tổn thương thần kinh.
TS Jingyi Qian, tác giả của nghiên cứu và là giảng viên y khoa tại Khoa Giấc ngủ và Rối loạn sinh học, Bệnh viện Brigham and Women’s và Trường Y Harvard, cho biết, phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tiềm năng của việc kết hợp thời gian vào các can thiệp hoạt động thể chất. Mặc dù bất kỳ mức độ hoạt động thể chất nào cũng có lợi, nhưng thời gian của hoạt động thể chất, có liên quan đến các tác động đối với việc quản lý lượng đường trong máu.
Người bệnh đái tháo đường type 2 cải thiện đường máu nhiều nhất khi họ tập thể dục vào buổi chiều…
1. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục buổi chiều sẽ tốt hơn cho người bệnh đái tháo đường
Đối với nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu hoạt động thể chất từ hơn 2.400 người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường type 2 và thừa cân. Trong quá trình nghiên cứu, tất cả những người tham gia đều đeo một thiết bị đo và ghi lại hoạt động thể chất của họ. Những người tham gia là một phần của một nghiên cứu dài hạn, lớn hơn có tên là LOOK AHEAD (Hành động vì sức khỏe đối với bệnh đái tháo đường), một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên bắt đầu vào năm 2001.
Hoạt động thể chất “vừa phải” có thể là đi bộ nhanh hoặc khiêu vũ trong khi hoạt động thể chất “mạnh mẽ” có thể là chạy hoặc đạp xe nhanh. Nghiên cứu cho thấy:
- Những người tham gia hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ vào buổi chiều đã thấy lượng đường trong máu giảm nhiều nhất sau một năm.
- Những người tham gia tuân thủ lịch tập thể dục buổi chiều đều đặn sẽ duy trì mức đường huyết thấp hơn.
- Những người tham gia tập thể dục vào buổi chiều cũng có khả năng giảm liều thuốc hạ đường huyết cao nhất.
2. Tại sao thời gian tập thể dục ảnh hưởng đến lượng đường trong máu?
Theo các nhà nghiên cứu, không rõ tại sao tập thể dục vào buổi chiều lại có tác dụng giảm lượng đường trong máu lớn nhất ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, nhưng có một vài giả thuyết cho rằng:
– Th ời điểm tập luyện có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, do các yếu tố như sự thay đổi trong ngày về mức độ hormone, nhịp sinh học , hành vi, phản ứng cá nhân và tương tác giữa hoạt động thể chất và insulin.
Cá nhân hóa thời gian và bài tập rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường…
Trong khi tập thể dục, cơ bắp của cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng, dẫn đến giảm lượng đường trong máu. Trong nghiên cứu, lợi ích của việc tập thể dục sau bữa ăn đối với lượng đường trong máu đã được nhìn thấy ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đã hoạt động thể chất vào buổi chiều, vì vậy, có thể là sau bữa trưa.
Nói chung, tập thể dục vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày đều có thể giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin và tạo điều kiện cho cơ bắp hấp thụ glucose. Tuy nhiên, tập thể dục sau bữa ăn có thể đặc biệt có lợi, vì nó có thể giúp giảm lượng đường trong máu sau khi ăn. Quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng có xu hướng hiệu quả hơn vào buổi chiều và độ nhạy insulin cao hơn so với những thời điểm khác. Do đó, hoạt động thể chất vào buổi chiều có thể phù hợp với sự sụt giảm tự nhiên của lượng đường trong máu xảy ra vào cuối ngày hoặc đầu buổi tối.
– Một lý do khác khiến việc tập thể dục buổi chiều có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu là nhiều người ăn bữa ăn lớn nhất vào bữa trưa. Bữa ăn này giúp họ có năng lượng cho buổi tập luyện buổi chiều và cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo rằng, hầu hết người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường type 2 nên tập thể dục nhịp điệu từ trung bình đến mạnh từ 150 phút trở lên mỗi tuần, có thể trải đều trong suốt cả tuần.
Thời gian tập luyện cường độ cao hoặc ngắt quãng ngắn hơn dưới 75 phút mỗi tuần cũng có thể đủ cho những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng tập thể dục vào buổi chiều có tác dụng lớn nhất trong việc giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tập thể dục vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày đều có thể giúp bạn kiểm soát bệnh. Cố gắng thực hiện ít nhất 150 phút hoặc hơn hoạt động aerobic cường độ trung bình đến mạnh mẽ mỗi tuần để nhận được nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe.
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường type 2 và dùng insulin, sẽ cần phải trao đổi với bác sĩ điều trị về cách sắp xếp thời gian tập luyện xung quanh các bữa ăn. Việc bạn tập thể dục trước hay sau bữa ăn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sức khỏe và mục tiêu quản lý bệnh đái tháo đường của từng người bệnh cụ thể.
Mặc dù những lý thuyết này có thể giúp giải thích lý do tại sao thời gian dường như quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường trong việc tập luyện, nhưng điều quan trọng vẫn là cá nhân hóa thời gian và tập luyện… để kiểm soát đường máu tốt nhất.