Sau khi Đỗ Hùng Dũng mổ ghép xương thành công, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, người trực tiếp điều trị cho nam cầu thủ bóng đá đã có những chia sẻ xoay quanh ca phẫu thuật cho cầu thủ này.
Ngày 24/3, đại diện Bệnh viện (BV) Vạn Hạnh (TP.HCM) cho biết, ca phẫu thuật kết hợp xương cho cầu thủ bóng đá Đỗ Hùng Dũng đã bước đầu thành công.
Cụ thể thành viên trong ekip mổ cho biết, bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp đóng đinh nội tuỷ xương chày trên màng hình tăng sáng (C-arm). Ca mổ hoàn toàn thuận lợi, bắt đầu lúc 9h và kết thúc lúc 10h30 cùng ngày.
Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt và đã được chuyển sang phòng hồi sức.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng.
Là một trong những phẫu thuật viên của ca mổ, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, chuyên gia về xương khớp từng điều trị cho nhiều cầu thủ bị chấn thương nghiêm trọng khi thi đấu kể lại, khi tiếp nhận ca mổ, Đỗ Hùng Dũng nói với bác sĩ rằng hãy cố gắng giúp anh, cái gì tốt nhất thì làm.
Bác sĩ cũng động viên, nói Dũng hãy yên tâm vì trước đây đã mổ cho nhiều tuyển thư Văn Hậu, Đình Trọng rồi, sau mổ sẽ chơi lại thể thao bình thường. Nhờ vậy từ chỗ lo lắng lúc đầu, Dũng đã bình ổn tâm lý trở lại.
“Trong chấn thương thể thao, cơ lực và đối kháng mạnh mẽ hơn so với chơi bình thường, do đó khi gặp nạn sẽ nặng nề hơn và thời gian hồi phục lâu hơn.
Chấn thương cầu thủ bóng đá thường gặp nhất là chấn thương dây chằng sụn chêm. Còn chấn thương xương thường gặp ở những cầu thủ nghiệp dư.
Với chấn thương của Hùng Dũng được xếp vào nhóm chấn thương nặng nhưng không quá nghiêm trọng.
May mắn ở trường hợp này chỉ tổn thương xương, nếu đứt dây chằng thì hồi phục hơi khó. Như trường hợp của cầu thủ Anh Khoa đội Đà Nẵng trước đây, chấn thương dây chằng nặng nên khó hồi phục”.
Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, BV Vạn Hạnh, nơi điều trị cho nam cầu thủ.
Ngoài ra theo bác sĩ Hùng, việc sơ cứu, bất động vết thương của đội ngũ y tế tại sân vận động Thống Nhất khá tốt, không gây sốc chấn thương, giúp vết thương đỡ di lệch nhiều.
Vết thương nếu hở ra sẽ gây nguy cơ nhiễm trùng cao. Còn trong trường hợp này, Hùng Dũng chị bị sưng gối, đau nhức 1 chút, không bị lòi xương, không gãy hở độ 1, độ 2 như bình thường. Nhờ vậy cuộc mổ giảm đáng kể nguy cơ.
Thông tin chi tiết về vết thương, bác sĩ Hùng cho biết Đỗ Hùng Dũng bị gãy 2 xương cẳng chân và gãy 1/3 dưới cẳng chân. Nếu muốn quay lại thể thao cần ít nhất 5-6 tháng.
Ca phẫu thuật cho Đỗ Hùng Dũng thực hiện bằng phương pháp mổ kín, ít xâm lấn, khi mổ vẫn còn màng xương.
Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân đã có thể bắt đầu tập nâng chân, khép gối, co duỗi gối, co hết tầm đầu khớp… Sau 1 tuần có thể đi nạng, 2 tuần cho chống nhảy chân đau.
Thành viên trong ekip mổ khẳng định dù ca mổ thành công nhưng chấn thương ít nhiều cũng ảnh hưởng đến xương của Đỗ Hùng Dũng.
Việc quay trở lại thể thao ngoài vấn đề mổ tốt còn có việc tập phục hồi. Hùng Dũng còn trẻ, cơ địa tốt nên được đánh giá có thể phục hồi tốt.
Ngoài ra còn phụ thuộc và ý chí của bệnh nhân. Nhất là với tuyển thủ quốc gia có khát khao chiến đấu và còn tham dự được nhiều mùa giải nữa. Còn nếu bỏ bê tập luyện, cơ đùi yếu sẽ hồi phục chậm hơn.
“Những trường hợp như Hùng Dũng vẫn có khả năng chơi lại thể thao đỉnh cao” – bác sĩ nhận định.
Hoàng Lê